Sự phát triển của con trong từng giai đoạn vẫn luôn là một chủ đề được nhiều bậc ba mẹ quan tâm, trong đó, giai đoạn “tập ngồi cho bé” là một bước tiến rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của con trẻ. Đây không chỉ là cột mốc cho thấy bé đã phát triển xương khớp, mà còn giúp bé rèn luyện khả năng giữ thăng bằng cơ thể, và cũng là tiền đề cho những kỹ năng tiếp theo như bò, đứng, đi. Vậy bé tập ngồi từ mấy tháng? Ba mẹ nên làm gì để hỗ trợ em bé ngồi?.
Trong bài viết này, Thanh Xuân Baby sẽ hướng dẫn ba mẹ một số kiến thức cơ bản để hỗ trợ bé tập ngồi một cách tốt nhất.
Mấy tháng cho bé tập ngồi?
Thông thường, bé có thể bắt đầu giai đoạn tập ngồi từ khoảng 4 đến 7 tháng tuổi. Tuy nhiên, ba mẹ nên lưu ý rằng thời gian này sẽ tuỳ thuộc vào thể trạng của từng bé, vì việc này phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển cơ bắp, mức độ luyên tập và khả năng kiểm soát thăng bằng của cơ thể của trẻ.
- Giai đoạn từ 4 đến 5 tháng tuổi: Ở giai đoạn này bé bắt đầu nằm sấp, có thể chống tay và nâng người lên. Một số bé cứng cáp hơn sẽ giữ được tư thế ngồi trong thời gian ngắn nếu có sự hỗ trợ của ba mẹ hoặc người lớn.
- Giai đoạn từ 6 đến 7 tháng tuổi: Bé tập ngồi trong một thời gian ngắn mà không cần phải có sự hỗ trợ từ người khác. Cơ bụng, cơ lưng của trẻ cũng đã dần phát triển, giúp bé giữ thăng bằng cơ thể lâu hơn.
- Giai đoạn từ 8 đến 9 tháng tuổi: Giai đoạn này em bé ngồi vững hơn, có thể tự mình thay đổi tư thế, xoay người để lấy những món đồ chơi hoặc quan sát xung quanh nơi bé ngồi. Đây là giai đoạn bé hoàn thành kỹ năng ngồi để chuẩn bị cho kỹ năng bò.
Tuy nhiên, trả lời cho câu hỏi “bé mấy tháng tập ngồi?” vẫn là câu trả lời mang tính ước lượng, bởi mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển riêng, thể trạng riêng. Một số em bé có thể tập ngồi muộn hơn so với thông thường một chút, nhưng bé vẫn phát triển bình thường, thế nên ba mẹ đừng quá lo lắng nhé. Nếu đã tròn 9 tháng tuổi nhưng bé vẫn chưa có dấu hiệu tập ngồi dù đã được hỗ trợ, thì ba mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, để kiểm tra xem bé có khó khăn gì trong quá trình vận động hay không.
Các dấu hiệu cho thấy bé bắt đầu tập ngồi
Các dấu hiệu cho thấy bé tập ngồi mà ba mẹ cần nắm rõ:
- Bé bắt đầu kiểm soát tốt đầu và cổ khi bé được bế hoặc khi nằm sấp
- Khi nằm ngửa, bé có xu hướng nâng đầu và cố gắng ngồi dậy
- Trong giai đoạn này, bé có thể chống tay để giữa thăng bằng cơ thể khi được ba mẹ cho bé ngồi
- Bé thể hiện sự thích thú khi được ba mẹ ngồi và cố gắng điều chỉnh tư thế cân bằng
- Khi nằm ngửa, bé có thể đưa chân và tay lên một cách linh hoạt và có kiểm soát, ba mẹ dễ dàng nhận thấy trong giai đoạn này cơ bắp của bé bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn.
Hướng dẫn cho ba mẹ cách tập ngồi cho bé
Bước 1: Tạo môi trường an toàn cho bé
Thông thường khi bé mới tập ngồi, bé vẫn chưa thể kiểm soát được cơ thể và giữ thăng bằng tốt, do đó, ba mẹ nên đặt bé lên một mặt phẳng mềm như: Nệm, thảm lông dày, thảm xốp,… Tránh để bé ngồi cạnh mép giường, gần vật sắc nhỏ, ghế cao để hạn chế nguy cơ té ngã. Ba mẹ có thể tạo cho con khu vực chơi riêng với rào chắn, tấm xốp hoặc nệm để tập ngồi cho bé.
Bước 2: Dùng gối chữ U để hỗ trợ bé
Ba mẹ nên dùng gối hình chữ U để chặn xung quanh khu vực bé ngồi để bé có điểm tựa, tránh tình trạng bé nghiêng ngả khi mới tập ngồi. Tuy nhiên, không nên phụ thuộc quá nhiều vào gối hỗ trợ hoặc bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào khác, mà ba mẹ cần khuyến khích cho bé tự tập, đây là một cách tập cho bé tự ngồi dậy nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Bước 3: Tăng cường thời gian cho bé nằm sấp
Việc bé nằm sấp sẽ giúp tăng cường khả năng rèn luyện cơ cổ, cơ tay và lưng – đây là những nhóm cơ quan trọng giúp cho trẻ dễ dàng giữ thăng bằng khi ngồi. Ba mẹ có thể khuyến khích bé nằm sấp bằng cách đặt đồ chơi cạnh bé và gọi bé để bé ngẩng đầu lên.
Bước 4: Hỗ trợ bằng tay để tập ngồi cho bé
Ba mẹ có thể đỡ bé nhẹ nhàng từ phía sau trong giai đoạn bé tập ngồi, để bé có cảm giác an toàn và tự tin hơn. Dần dần, ba mẹ có thể giảm mức độ hỗ trợ bé để bé học cách tự ngồi dậy và giữ cân bằng.
Bước 5: Khuyến khích bé tập ngồi bằng đồ chơi
Có thể sử dụng loại đồ chơi phát ra âm thanh hoặc có màu sắc sặc sỡ để thu hút sự chú ý của bé. Việc đặt đồ chơi ở phía trước sẽ giúp bé có động lực vươn người ra phía trước, từ đó rèn luyện được các cơ bắp và khả năng giữ thăng bằng cho trẻ.
Bước 6: Tạo thói quen luyện tập thường xuyên cho bé
Để tạo thói quen luyện tập cho bé, ba mẹ nên dành 5 đến 10 phút mỗi ngày để luyện tập tư thế ngồi cho bé, sau đó có thể tăng dần thời gian luyện tập. Trong trường hợp bé tỏ ra khó chịu và chưa sẵn sàng cho việc tập ngồi, thì ba mẹ không nên ép bé luyện tập vì điều này có thể làm cho bé áp lực và ảnh hưởng đến tâm lý của bé.
Những sai lầm nên tránh khi tập ngồi cho bé
- Ép bé tập ngồi quá sớm: Việc bắt ép bé tập ngồi quá sớm sẽ ảnh hưởng đến cột sống và sự phát triển của trẻ, bởi lúc này phần cơ cổ, lưng và bụng của bé chưa phát triển. Do đó, việc ép bé tập ngồi quá sớm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ, xương chưa phát triển toàn diện của bé.
- Để em bé tập ngồi quá lâu: Khi bé tập ngồi, ba mẹ nên chú ý đến thời gian luyện tập của bé, chỉ nên cho bé tập ngồi trong thời gian ngắn. Sau đó, ba mẹ cần thay đổi ngay tư thế để tránh gây mỏi cơ, ảnh hưởng đến cơ và xương của bé.
- Không tập trung giám sát quá trình bé tập ngồi: Khi mới tập ngồi, bé sẽ không thể giữ cân bằng cơ thể, do đó, bé sẽ ngã bất cứ lúc nào. Vì thế, trong quá trình bé tập ngồi, ba mẹ phải cần theo dõi sát sao để tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra với bé.
- Dùng dụng cụ hỗ trợ cho bé tập ngồi quá nhiều: Một số ba mẹ lạm dụng ghế tập ngồi hoặc dụng cụ hỗ trợ quá sớm, sẽ có thể hạn chế khả năng tự vận động và làm chậm quá trình phát triển cơ bắp của trẻ.
Tầm quan trọng của giai đoạn tập ngồi đối với sự phát triển của bé
Giai đoạn em bé tập ngồi không chỉ giúp phát triển thể trạng, cơ bắp và cột sống mà còn giúp phát triển trí não của bé. Khi bé tự ngồi dậy, bé sẽ có cơ hội khám phá xung quanh, tăng cường khả năng tương tác với ba mẹ, đồng thời bé có thể tự học cách phối hợp chân, tay và mắt. Ngoài ra, đây là một giai đoạn tiền đề quan trọng để bé có thể bò, đứng và đi.
Như vậy, bài viết này đã giúp ba mẹ giải đáp câu hỏi “Mấy tháng cho bé tập ngồi?” và “Cách tập cho bé tự ngồi dậy?”. Thanh Xuân Baby rất mong những kiến thức này sẽ hữu ích, để ba mẹ có thể vận dụng trong giai đoạn tập ngồi của các bé yêu.